Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là gì? Tại sao ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây? Đây là đạo lý làm người, đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.
Trong tất cả những đạo lý tốt đẹp mà ông cha ta đã truyền lại. Đạo làm người phải có lòng biết ơn luôn được đề cao.. Ở đời, người mà thiếu đi lòng biết ơn, quên tình bỏ nghĩa thì thật mới đáng buồn làm sao. Tôi luôn trân trọng những người đã từng giúp đỡ mình và cũng giúp lại những người khác như cái cách mà người ta đã “cứu” tôi. Trong nền văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ nói về lòng biết ơn. Điển hình nhất là câu thành ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là gì?
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là gì?
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây nghĩa là gì?
Bạn không thể nào lớn nổi thành người nếu quên đi nơi mình sinh ra, quên đi cội nguồn đã từng nuôi dưỡng. Trên đời, cái tội lớn nhất chính là bất hiếu. Thế nên, hãy biết ơn cha mẹ mình trước. Đó là những người đã cho ta hình hài, máu thịt, ngày ngày dìu dắt và chăm chút ta đến lúc trưởng thành. Ngay cả khi bạn lớn lên, rời xa vòng tay cha mẹ đến những chân trời mới. Bạn cảm thấy rằng mình đã trưởng thành, đã nếm đủ sóng gió cuộc đời nhưng với cha mẹ, chúng ta vẫn chỉ là những đứa trẻ mà thôi. Vậy nên, cha mẹ chính là những người bạn phải nhớ đầu tiên trong tâm thức.
Muốn trồng một cái cây cho đơm hoa kết quả thật không quá khó nhưng lại cũng chẳng dễ dàng. Chúng ta phải bỏ công đào đất, gieo hạt, tưới nước rồi chăm bón và trông nom mỗi ngày mới mong nó phát triển tốt. Khi nó lớn hơn một chút, người trồng còn phải bắt sâu, tỉa lá rồi có khi phải che nắng to, gió lớn cho nữa. Có vậy mới thấy công việc trồng cây nghe có vẻ đơn giản mà lại chẳng đơn giản đâu. Qua thời gian chăm sóc kỹ lưỡng, cây mới cho quả ngọt.
Ăn một quả ngọt thì dễ, thì nhanh chứ lúc trồng phải chờ đợi và tốn không ít công sức.Vậy nên mới nói “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Là người ta đã vất vả trồng cho mình ăn, đã không khen ngon thì thôi chứ xin đừng nói lời cay đắng. Chúng ta ngồi đây vui sướng hưởng thành quả của người khác mà còn mỉa mai cả người trồng thì thật không hay.
Trong cuộc sống này phải biết ơn với những người đã giúp đỡ mình
Chúng ta đã từng gặp rất nhiều người. Một số người thoáng qua cuộc đời ta, còn một số khác đến và để lại cho ta nhiều bài học để trưởng thành. Trong nhóm người số khác ấy, có người làm lỗi để ta nhận ra mình còn phải học hỏi thêm nhiều, lại có người mở ra nhiều cơ hội mới cho mình và giúp mình vượt qua nhiều khó khăn. Chúng ta đừng quên những con người đã giúp đỡ mình. Đó là những người ơn, người đã góp phần giúp cho chúng ta tồn tại trên cuộc đời một cách dễ dàng hơn.
Biết ơn những người đã đưa tay giúp đỡ mình là một điều rất tốt vì có mấy ai chịu bỏ thời gian đi giúp người khác đâu. Nhưng những người thật lòng giúp bạn, họ sẽ không tính toán. Bạn mất niềm tin vào con người ư? Giúp họ nhưng lại bị “cắn ngược”? Không sao cả, đời có luật nhân quả cả đấy. Khi bạn mở lòng giúp đỡ một người thì có khi người ấy sẽ đối xử tệ lại với bạn. Nhưng không vấn đề gì, rồi sẽ xuất hiện một người khác nâng đỡ bạn thôi. Vì cuộc sống là một vòng tuần hoàn, “có vay có trả” mà.
Lòng biết ơn sẽ được đền đáp
Tôi nhớ người thầy dạy cấp ba của mình, thầy đã có một sự ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời của tôi. Những năm cấp ba, tôi nép mình trong bóng tối của cô độc. Tôi dần trở nên trầm lắng, ít nói và lơ là việc học hơn. Thầy cô nào cũng chán nản đứa học trò như tôi nhưng riêng thầy thì không. Thầy tôi đã già lắm rồi, mái tóc hoa râm đã chuyển thành bạc trắng, miệng móm mém không còn cái răng nào. Nhưng lại là một giáo viên ưu tú, thầy có một kho tàng kiến thức sâu rộng, thấu hiểu nhân nghĩa ở đời. Thầy đã bảo tôi rất có tiềm năng, nên đi theo con đường mà tôi đang mơ ước, chắc chắn sẽ đạt thành công.
Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe có người khen và ủng hộ ước mơ của mình. Thật kỳ diệu! Tôi dần chăm học vì những lời thầy động viên của thầy, từng chút từng chút lát những viên gạch xây giấc mơ. Dù khởi đầu có chút khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ lùi bước. Nhớ đến những lời động viên của thầy, tôi lại có động lực và tiến tới. Lần tôi về thăm thầy cách đây hai năm, thầy rất vui và lại tạo cho tôi một cơ hội mới.
Tới tận thời điểm bây giờ, tôi coi như cũng có chút thành tựu. Nhiều đêm nằm nhớ về những tháng ngày xưa, tôi mới thấy biết ơn thầy sâu sắc. Và lại thấm thía cái nhân nghĩa “Tôn sư trọng đạo” là chí phải. Nếu không có hôm nhớ thầy mà về lại, biết đâu cuộc đời còn đang mãi lênh đênh.
Câu chuyện của tôi chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng ngàn câu chuyện về giá trị của lòng biết ơn. Khi bạn thấu suốt được đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “Uống nước nhớ nguồn”thì chắc chắn ngày thành công sẽ không xa nữa. Đừng chỉ biết nghĩ cho mình, chia sẻ cũng là một trong những cơ hội để bạn thăng tiến. Người biết sống vì người khác, hiểu rõ nhân nghĩa thì ông trời chắc chắn sẽ không bạc đãi đâu.
Dù cho bạn là ai, bạn cũng nên hiểu được giá trị của lòng biết ơn. Ai cũng bận rộn với cuộc đời của chính mình nhưng người ta lại bỏ thời gian, công sức hay thậm chí là tiền bạc để giúp bạn. Thế thì bạn nghĩ xem, điều đó có đáng trân quý không?
Thể hiện lòng biết ơn không chỉ là mở ra cho bạn nhiều cơ hội mới mà còn làm đúng theo đạo lý tốt đẹp của ông cha ta truyền dạy lại. Người hiểu nhân nghĩa thì ai ai cũng quý, còn tính toán chi li thì chẳng ai muốn tiếp cận. Cái cốt yếu là chúng ta phải hiểu, học theo những cái tốt cái hay trên đời là vì bản thân mình chứ không phải vì để cho ai xem cả. Và cái đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là cái ta phải học, phải thể hiện, phải phát huy.