Tác Giả : Tản Đà 傘沱 – Nguyễn Khắc Hiếu

Tan Da 1889 1939Tản Đà 傘沱 (1889-1939) tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu 阮克孝, sinh năm Thành Thái thứ nhất (Kỷ Sửu) ngày 20 tháng 4, dương lịch là 19-5-1889 tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, một làng trung du nhỏ bên sông Đà, chỉ cách núi Tản Viên 10km đường chim bay. Nay Khê Thượng được nhập với một số xã khác thành xã Sơn Đà thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội.

Ông xuất thân trong một dòng họ khoa bảng lâu đời, chính quán ở làng Lủ tức Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Nay nhà thờ tổ họ vẫn còn ở xã, được xếp vào di tích liệt hạng, vì có nhiều nhân vật lịch sử và danh nhân văn hoá như Nguyễn Công Thể (tổ 6 đời của Tản Đà), tả thị lang bộ Lại, thượng thư bộ Lễ, Thái bảo thái phó Kiều quận công, đã có công đấu tranh với triều đình nhà Thanh để giữ đất biên cương ở trấn Tuyên Quang; Phương Đình – Nguyễn Văn Siêu (thần Siêu, thánh Quát); đầu xứ Trừu tức Hổ Trừu, nhà thơ trào phúng, tú tài Quyến, em ruột Hổ Trừu, theo lãnh tụ Cần Vương Ngô Quang Bích được cử sang Trung Quốc tìm gặp Tôn Thất Thuyết v.v…

Khi nhà Nguyễn nắm quyền thống trị đất nước, các cụ dòng họ Nguyễn làng Khê Thượng đã lập lời thề không ra làm quan với triều đại mới, từ đó dòng họ sa sút nghèo khổ, chỉ làm “thầy đồ làng”, tới Nguyễn Danh Kế là thân sinh Tản Đà vừa phải đi học vừa làm thợ thổ (làm đất thuê) để nuôi mẹ.

Vì quá túng thiếu nên Nguyễn Danh Kế đã ra thi, đỗ Cử nhân triều Tự Đức, bổ tri huyện Nam Sang, tri phủ Lý Nhân, rồi Xuân Trường (đều thuộc Hà Nam Ninh ngày nay), thăng án sát Ninh Bình rồi mất (1837-1891). Tuy gửi thân vào chốn quan trường nhưng Nguyễn Danh Kế có cốt cách một nhà nho tài tử, và trong chốn Bình Khang đã gặp một đào nương tài sắc ở phố Hàng Thao, Nam Định là Nhữ Thị Nghiêm. Yêu vì tài, cảm vì tình, hai người đã lấy nhau hồi Nguyễn Danh Kế làm tri phủ Xuân Trường. Từ cuộc hôn nhân ấy đã sinh ra Nguyễn Khắc Hiếu, còn tên là Cứu, thường được gọi là “ấm Cứu” rồi “ấm Hiếu”. Ấm Hiếu là con thứ tư và là con út của bà Nhữ Thị Nghiêm và là con trai thứ 11, cùng út của Nguyễn Danh Kế (ông có 3 vợ, 11 con).

Năm Nguyễn Khắc Hiếu lên ba tuổi thì thân phụ qua đời, năm lên 4 mẹ trở lại nghề cũ với tiếng đàn câu hát, khi Hà Nội, khi Bắc Ninh. Từ đó, ông được người anh khác mẹ là Nguyễn Tái Tích, phó bảng ra giáo thụ, nuôi dưỡng và cho ăn học chuyên về khoa cử. Do ảnh hưởng gia đình, năm 14 tuổi, ông đã thạo các lối từ chương thi phú. Năm 1907, ông theo anh ra Hà Nội, học trường Quy Thức ở phố Gia Ngư. Năm 1909, đi thi Hương ở Nam Định, bị hỏng. Năm 1912, đi thi khoa Nhâm Tý với hy vọng nếu đỗ cử nhân thì sẽ kết duyên cùng nàng Đỗ thị ở phố Hàng Bồ, Hà Nội, nhưng vẫn hỏng. Trở về Hà Nội, chứng kiến người yêu là cô Đỗ đi lấy chồng, ông chán nản bỏ về Hoà Bình tìm khuây lãng; rồi cùng bạn là nhà tư sản Bạch Thái Bưởi lên chùa uống rượu, làm thơ và thưởng trăng, sống theo lối “tịch cốc”.

Năm 1915, ông lập gia đình. Năm 1916, người anh từ trần, gia đình trở nên cùng túng, Tản Đà quyết định chuyển hẳn sang nghề cầm bút. Thời gian này ông viết tuồng cho các rạp và được đọc thêm nhiều sách dịch Âu Tây bằng chữ Hán, nhờ đó tư tưởng có nhiều biến chuyển.

Năm 1920, đi du lịch ở Huế, Đà Nẵng, trở về viết truyện Thề non nước. Năm 1921, làm chủ bút tờ Hữu Thanh tạp chí. Được 6 tháng, từ chức, trở về quê. Năm 1922, lại ra Hà Nội lập Tản Đà thư điếm, sau tập hợp với Nghiêm hàm ấn quán thành Tản Đà thư cục.

Năm 1925, phong trào yêu nước dấy lên mạnh mẽ, Tản Đà càng nhập thế tích cực hơn. Ông tổ chức một chuyến du lịch vào Nam, gặp gỡ nhiều nhà chí sĩ và viết bài trên nhiều báo. Tháng 2 năm 1928, trở về Bắc, rồi lên định cư vùng Yên Lập (Vĩnh Yên), nhưng bị quan lại địa phương gây khó dễ, phải xuống Hải Phòng, rồi lại lên Hà Nội. Năm 1933, sau khi An Nam tạp chí bị đình bản, ông chuyển sang trợ bút cho Văn học tạp chí ít lâu rồi về quê ở ẩn.

Cuối năm 1937, chuyển về làng Hà Trì (Hà Đông), tham gia dịch thuật, viết báo. Sau vì bị viên quan Tổng đốc Hà Đông thù ghét, phải chuyển ra Hà Nội, mở lớp dạy Quốc văn hàm thụ, Hán văn diễn giảng, kiêm cả xem lý số Hà lạc. Ông sống nghèo đói, không đủ ăn và trả tiền nhà, bị chủ nhà tịch thu đồ đạc và đuổi đi, Tản Đà phải cùng gia đình dọn về phố Cầu Mới. Trong hai năm 1937 và 1938, ông dịch thơ Đường đăng nhiều trên báo Ngày nay.

Ông qua đời vì bệnh vào ngày 7 tháng 6 năm 1939 (20 tháng 4 năm Kỷ Mão) tại nhà 71 phố Cầu Mới, Ngã Tư Sở, Hà Nội (nay là nhà số 47 Nguyễn Trãi), thọ 51 tuổi. Năm 1963, di hài Tản Đà đã được cải táng đưa về chôn ở cánh đồng Cửu Quán, thôn Hội Xá (quê vợ của nhà thơ), xã Hương Sơn, tỉnh Hà Tây cũ.

Trên văn đàn của văn học Việt Nam trong hơn 3 thập niên đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tạo. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực, đi khắp miền đất nước, ông để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu thanh, An Nam tạp chí. Ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”. Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường ra thơ lục bát. Hiệu Tản Đà chỉ núi Tản Viên (tức núi Ba Vì) và sông Đà (còn gọi là Hắc giang vì nước lúc nào cũng đen), được ông thích nghĩa bằng ba câu yết hậu:
Ba Vì ở trước mặt
Hắc giang bên cạnh nhà
Tản Đà
Văn:
– Giấc mộng con I (1917)
– Giấc mộng con II (1932)
– Giấc mộng lớn (1932)
– Thề non nước (1922)
– Tản Đà văn tập (1932)

Thơ:
– Khối tình con I (1916)
– Khối tình con II (1918)
– Tản Đà xuân sắc (1918)
– Khối tình con III (1932)

Kịch:
– Tây Thi (1922)
– Tống biệt (1922)

Dịch thuật:
– Liêu trai chí dị (1934)

Nghiên cứu:
– Vương Thuý Kiều chú giải (1938)

Những Tác Phẩm Của Tác Giả: