Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa

Tác Giả:
Thể Loại: CA DAO - TỤC NGỮ

“Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”

Câu tục ngữ này có thể hiểu là một trong những kinh nghiệm trồng trọt quan trọng của ông bà ta. Thông qua đó, nhiều bài học răn dạy ý nghĩa cũng được ẩn dụ và khiến mọi người suy ngẫm. Xưa nay, cẩn thận chưa bao giờ là thừa nên người có tính cẩn thận luôn dễ dàng tiến gần đến thành công hơn. Người biết chú trọng từng chi tiết nhỏ và hoàn thành nó một cách chi tiết nhất sẽ là người nhận thành quả xứng đáng nhất.

“Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”

Câu tục ngữ này chia làm hai vế bao gồm hai hành động “ăn và “cày”. Nói về chuyện ăn, người ta thường chú trọng ăn uống có chọn lọc, ăn những món có lợi cho sức khỏe và nhai thật kỹ càng để đảm bảo sức khỏe. Chúng ta vẫn thường nghe câu “Ăn chậm nhai kỹ” và đó cũng là một trong những nguyên tắc ăn uống được áp dụng phổ biến của người Việt Nam. Cày đất phải cày cho sâu, cho tơi xốp thì lúa mới tốt.

Mượn câu tục ngữ “Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”, ông cha ta cũng gửi gắm những lời nhắn nhủ, khuyên lớp con cháu thế hệ sau những đạo lý trong cuộc sống. Việc gì cũng thế, chúng ta cần chú ý thận trọng, suy tính trước sau kỹ càng và làm việc một cách cẩn thận. Ngay cả trong việc ăn uống hay bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống cũng thế, thà chậm mà chắc còn hơn nhanh mà hỏng việc.

Ví như chuyện ăn uống, ăn nhanh và ăn vội vàng đối với một số người là tiết kiệm thời gian. Nhưng thông thường, việc ăn nhanh dễ dẫn đến hóc xương, nuốt phải thứ không nên nuốt, mắc nghẹn,…và hại hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Tiết kiệm thời gian là đúng nhưng phải tiết kiệm tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mới sinh ra lợi.

Việc gì cũng nên cẩn trọng

Xưa nay, ông bà ta vẫn quan trọng cả quá trình và kết quả sự việc. Việc thấy kết quả thành công thì tốt nhưng quá trình cũng quan trọng không kém. Có những việc nên tiến hành nhanh chóng, đốt cháy giai đoạn nhưng có những việc cần phải cẩn trọng và suy tính trước sau mới thu về được kết quả như mong đợi. Mà đa số trong cuộc sống, mọi việc cũng đều cần chúng ta phải kỹ càng.

Cả trong việc học tập, công việc hay trong tất cả các mối quan hệ xã hội đều được nuôi dưỡng theo từng bước một. Nếu quá vội vàng, chuyện sẽ nhanh “hư bột hư đường”. Ví như, học phải học từ từ, ghi nhớ từng phần chứ chẳng ai một hơi mà nhớ hết cả cuốn vở. Làm việc cũng tương tự như vậy, bạn muốn bán một món hàng thì dễ nhưng bán với số lượng lớn thì cần phải suy tính trước sau. Chúng ta cần tìm hiểu thị trường, nghiên cứu khách hàng và lập ra kế hoặc rõ ràng để mọi chuyện được thuận lợi hơn.

Các mối quan hệ xã hội cũng như thế, bạn không thể nào quá thân thiết với một người ngay từ lần đầu gặp mặt hoặc qua tiếp xúc vài lần. Chúng ta phải thông qua tìm hiểu, giao du với nhau một thời gian. Từ đó, bạn mới hiểu rõ đối phương, nắm được tính cách của họ mà có cách cư xử cho phù hợp. Nếu quá vội vàng, chúng ta sẽ gặp phải nhiều mâu thuẫn vì không hiểu nhau hoặc bị kẻ xấu lừa lọc lợi dụng mà trở tay không kịp.

Thà chậm mà chắc

Sự vội vã thường khiến chúng ta nhận những hậu quả cay đắng mà thậm chí không cứu vãn được trong nhiều trường hợp. Có người vì muốn đẩy nhanh tiến độ của rau quả để kịp bán mùa nghịch cho giá cao đã phun thuốc kích thích quá liều. Hậu quả không chỉ là người mua mà cả những người thân trong gia đình cũng đã nguy kịch khi ăn phải. Có người vì gấp gáp mà chạy xe quá tốc độ dẫn đến tai nạn thương tâm cho rất nhiều người vô tội không liên quan. Rồi còn bao nhiêu tai nạn lao động đáng sợ từ việc làm nhanh, làm ẩu, làm vội,…mà chúng ta hàng ngày được nghe trên các phương tiện truyền thông.

Sự vội vàng không giúp cho chúng ta được điều gì mà chỉ khiến cho cục diện thêm rối loạn mà hậu quả để lại nặng nề. Trong tất cả các trường hợp, bạn đều phải bình tĩnh và tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất. Có như vậy, mọi chuyện mới trở nên bớt rắc rối và thu được kết quả như mong đợi. Hãy nhìn xem những người thành công và cách họ đối mặt với khủng hoảng. Trong những trường hợp như vậy, rối loạn chỉ khiến tình hình thêm bế tắc thêm mà thôi.

Mọi chuyện đều thường mang lại xác suất thành công lớn khi thuận theo dòng chảy của tự nhiên. Cho dù bạn muốn nhanh cũng không thể được, cưỡng cầu quá lại sinh ra hư bột hư đường. Đó là lời khuyên mà ông bà ta muốn truyền dạy lại thông qua câu tục ngữ “Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”.

“Bình tĩnh tạo nên sự quý tộc”

Một câu nói khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng thời gian trước của thành viên đội tuyển u23 Đức Huy. Câu nói này nhanh chóng nhận được sự thích thú của mọi người và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Dù trong trường hợp nào, chúng ta cũng phải giữ thần thái quý tộc cho mình. Không nao núng hay run sợ trước bất kì ai, bất kì chuyện gì. Chỉ khi giữ được cái đầu bình tĩnh, bạn mới có thể chống đỡ và vượt qua mọi chuyện.

Tôi từng hỏi một người chị về cuộc đời biến cố của chị ấy, biết bao nhiêu sóng gió đổ ập vào người. Thế nhưng, chị vẫn giữ một gương mặt bình thản và từng bước giải quyết những sóng gió ấy. Thật lòng, tôi vô cùng ngưỡng mộ và không biết bao giờ mình mới có thể như chị. Chị luôn nói: “Bình tĩnh là điều quan trọng nhất, dù em có rối lên hay hoảng sợ cũng chẳng giải quyết được gì. Khi em buông bỏ mọi thứ, em sẽ thấy chẳng điều gì là đáng sợ nữa.”

Lời kết

Hy vọng câu tục ngữ trên sẽ mang lại một bài học ý nghĩa cho tất cả mọi người. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ luôn là những hành trang quý báu để chúng ta có thể bước vào đời một cách thuận lợi hơn.

Cùng Tác Giả