Ăn cơm mới, nói chuyện cũ

Tác Giả:
Thể Loại: CA DAO - TỤC NGỮ

Đây là một câu thành ngữ mà dân gian ta rất hay dùng mỗi khi Tết đến xuân về. Vào dịp cuối năm, nhất là vào đêm Ba mươi Tết (thời khắc cuối cùng của năm cũ) hoặc vào ngày mồng Một Tết, trong không khí gia đình sum họp đủ đầy ấm cúng, các bậc cao niên trong nhà thường nhắc nhở con cháu mình: “Thôi thì ăn cơm mới nói chuyện cũ, bố mẹ không nhắc nhở, trách cứ gì ai. Nhưng những chuyện trong năm qua đáng để nhà mình nhìn lại mà khắc phục. Âu cũng là một dịp ôn cố tri tân”.

“Ăn cơm mới, nói chuyện cũ”, một câu thành ngữ 6 tiếng chia thành 2 vế, đối nhau khá chỉnh. Tổ hợp “cơm mới” là một câu nói cửa miệng, rất hay dùng đối với nhà nông. Tục cúng cơm mới (bữa cơm gạo mới khi bắt đầu mùa thu hoạch) bao giờ cũng là một nghi thức mang đậm tín ngưỡng dân gian của nông thôn ta từ xưa đến nay. Nhưng cơm mới trong thành ngữ này lại mang một ý nghĩa khác. Nó dùng để hàm chỉ hiện thực đang tồn tại, đang được nói đến. Có thể đó là năm mới, hoặc có thể là một cái mốc sự kiện mới đến nào đó (như sang nhà mới, cưới vợ, con cái trưởng thành,…).

Cũng chính vì vậy mà cơm mới còn hàm ý chỉ sự tốt lành, mới mẻ, là niềm vui cần chia sẻ… Và mỗi khi có sự chuyển biến tích cực đó trong cuộc sống, người ta thường có thói quen nhắc lại chuyện xưa, từ chuyện mới nhớ về chuyện cũ. Những câu chuyện đã qua đó thường gắn với quá khứ gian nan, cơ cực, thậm chí buồn đau… Chính sự nhìn nhận, ôn lại cái cũ ấy giúp người ta hiểu thêm được cái mới, thấy rõ giá trị của cái mới. Từ đó mà chúng ta thêm yêu, thêm trân trọng thành quả vừa có được và yên tâm vững bước trên đường đời.

Câu thành ngữ “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” rõ ràng không còn bó hẹp trong chuyện ăn và nói như vốn dùng trong cuộc sống. Xét cho cùng, đây là một thông điệp hàm súc về một bài học ứng xử giàu tính triết lí và đậm chất nhân văn. Bởi quá khứ và hiện tại luôn là một sự tiếp nối không thể tách rời trong dòng chảy của lịch sử.

Năm Tân Mão đã đến rồi. Một chu kì thời gian quan trọng với mỗi người chúng ta đang mở ra những khả năng và vận hội mới. Thiết tưởng, ngày hôm qua như vẫn còn hiển hiện, nhắc nhở chúng ta nhiều điều trên con đường hoàn thiện một cuộc sống sao cho tốt đẹp hơn. “Cơm mới” sẽ ngon hơn, ý vị hơn nếu ta không quên nhớ về “chuyện cũ”.

Cùng Tác Giả